Hiện tượng bóng đè là gì - Tại sao chúng ta lại bị bóng đè
Bóng đè là hiện tượng xảy ra đối với hơn 40% dân số trên thế giới theo như nghiên cứu của viện Tâm Thần Học Hoa Kỳ. Từ xa xưa, bóng đè được cho là có liên quan tới hoạt động của các thế lực ma quỷ, đen tối... Vậy sự thực bóng đè là gì, tại sao lại bị bóng đè dưới góc nhìn của khoa học. Hãy cùng với Bloggiaidap vén bức màn này lên nhé.
Bóng đè là gì?
Bóng đè là cảm giác cơ thể hoàn toàn tỉnh táo nhưng không thể cử động trong lúc ngủ. Hiện tượng này được xếp là một trong số các triệu chứng của tình trạng rối loạn giấc ngủ. Bóng đè xảy ra khi não trạng của một người đang nằm giữa giai đoạn tỉnh táo và ngủ sâu.
Trong quá trình chuyển đổi này, cơ thể của bạn không thể cử động, di chuyển hoặc nói trong vài giây đến vài phút. Một số trường hợp được ghi nhận đó là cơ thể người bị bóng đè cảm thấy áp lực hoặc có cảm giác nghẹt thở. Người bị bóng đè thường xuất hiện cảm giác sợ hãi, hồi hộp, đôi khi, bóng đè còn gây ra một số ảo giác về hình ảnh và âm thanh khiến cho con người tin rằng bóng đè là một sản phẩm của ma quỷ, bùa ngải...
Vậy bóng đè có phải là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng nào đó hay không?
Các nhà nghiên cứu giấc ngủ kết luận rằng, trong hầu hết các trường hợp, tê liệt giấc ngủ đơn giản chỉ là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang gặp rắc rối trong việc trải qua các giai đoạn của giấc ngủ. Rất ít trường hợp được ghi nhận bóng đè có liên quan đến các vấn đề về tâm thần sâu sâu hơn bên trong.
Trong nhiều thế kỷ, bóng đè đã được mô tả là do sự hiện diện của cái "Ác". Những con quỷ vô hình trong thời cổ đại. Hiện tượng bóng đè cũng được đề cập tới trong vở kịch Romeo và Juliet của Shakespeare hay như bóng đè cũng được cho là liên hệ tới những kẻ bắt cóc ngoài hành tinh.
Hầu như mọi nền văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử đều có những câu chuyện về những sinh vật tà ác khiến cho con người bất lực và cảm thấy đáng sợ mỗi khi chúng tới vào ban đêm.
Đó đều là những giải thích mang tính siêu nhiên, huyền bí cho cái cảm giác đáng sợ và bất lực mà bóng đè mang lại của người cổ đại và phần nào đó một bộ phận người hiện đại ngày nay.
Khi nào hiện tượng bóng đè xảy ra?
Dưới góc nhìn của khoa học ngày nay, bóng đè đơn giản là hiện tượng rối loạn chu trình "thức - ngủ" của bộ não, khiến cho vòng tuần hoàn này bị đứt quãng. Từ đó, một phần não bộ điều khiển tâm trí rơi vào trạng thái "thức" trong khi phần não bộ điều khiển cơ bắp, vận động vẫn trong quá trình "ngủ" - khiến cho cơ thể rơi vào trạng thái "liệt tạm thời".
Điều gì xảy ra với cơ thể khi rơi vào tình trạng bóng đè?
Trong quá trình ngủ, cơ thể của bạn sẽ từ từ thư giãn. Khi đó bạn trở nên ít nhận thức hơn đối với môi trường xung quanh cũng như cơ thể mình. Tuy nhiên, nếu đột nhiên bạn trở nên tỉnh táo trong khi ngủ, bạn có thể nhận thấy rằng mình không thể cử động hay nói chuyện.
Vậy điều gì đã xảy ra khi bạn bị bóng đè?
Trong khi ngủ, cơ thể của bạn luân phiên thay đổi trạng thái giữa REM (chuyển động mắt nhanh) và ngủ sâu NREM (chuyển động mắt không nhanh). Một chu kỳ giấc ngủ REM và NREM kéo dài khoảng 90 phút. Giai đoạn NREM xảy ra đầu tiên và chiếm tới 75% thời gian ngủ tổng thể của bạn. Trong giấc ngủ NREM, cơ thể bạn thư giãn và tự phục hồi. Vào cuối NREM, giấc ngủ của bạn sẽ chuyển sang giai đoạn REM. Đôi mắt của bạn di chuyển nhanh chóng mặc dù trạng thái là bạn vẫn đang nhắm mắt và khi đó những giấc mơ xảy ra. Mặc chuyển động mắt liên tục nhưng phần còn lại của cơ thể vẫn được thả lỏng và rất thoải mái. Cơ bắp của bạn lúc này sẽ rơi vào trạng thái "tắt" trong giấc ngủ REM.
Trường hợp bạn thức dậy được trước khi chu kỳ REM kết thúc, xin chúc mừng, bạn đã bị bóng đè và khi đó cơ thể bạn không thể di chuyển hoặc nói chuyện.
Tại sao lại bị bóng đè?
Trung bình có tới 4 trong số 10 người có thể bị hiện tượng bóng đè trên thế giới. Hiện tượng này xuất hiện phổ biến trong giai đoạn thanh thiếu niên và giảm dần về sau.
Tuy nhiên, ngày nay thì hiện tượng bóng đè được ghi nhận là xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở mọi lứa tuổi cả nam và nữ. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng bóng đè bao gồm:
- Tình trạng cơ thể mệt mỏi, thiếu ngủ
- Ngủ không đúng giờ, thường xuyên thay đổi
- Các tình trạng liên quan tới yếu tố tâm thần như căng thẳng hoặc rối loạn lưỡng cực
- Nằm sấp khi ngủ.
- Các vấn đề về giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ hoặc chuột rút vào ban đêm
- Sử dụng một số loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc cho các bệnh về AD, ADHD
- Lạm dụng các loại thuốc an thần, tiền đình...
Chẩn đoán hiện tượng bóng đè có phải là vấn đề nghiêm trọng hay không?
Nếu đơn thuần bạn chỉ bị bóng đè trong vài phút với tuần suất 1-2 lần trong tháng thì điều này hoàn toàn bình thường. Bạn không cần phải lo lắng về các triệu chứng này.
Tuy nhiên!
Bạn cần kiểm tra với bác sĩ ngay nếu như hiện tượng bóng đè khiến cho cơ thể có những dấu hiệu sau:
- Mật độ bóng đè dày đặc, thời gian cơ thể bị bóng đè cũng kéo dài hơn bình thường.
- Bóng đè khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày.
- Bạn không thể trở lại giấc ngủ sâu mỗi khi bị bóng đè
Lúc này, bác sĩ có thể muốn thu thập thêm thông tin về sức khỏe giấc ngủ của bạn bằng cách thực hiện bất kỳ điều nào sau đây:
- Yêu cầu bạn mô tả các triệu chứng và thực hiện ghi chép nhật ký giấc ngủ trong vài tuần
- Trao đổi với bác sĩ về lịch sử sức khỏe của bạn, bao gồm bất kỳ rối loạn giấc ngủ đã biết hoặc bất kỳ lịch sử gia đình của rối loạn giấc ngủ
- Giới thiệu bạn đến một chuyên gia về giấc ngủ để đánh giá thêm
- Thực hiện các nghiên cứu giấc ngủ qua đêm hoặc các nghiên cứu về giấc ngủ ban ngày để đảm bảo bạn không bị rối loạn giấc ngủ khác
Đề phòng bóng đè bằng cách nào?
Hiện tượng bóng đè không phải là bệnh và hầu hết mọi người không cần điều trị bóng đè. Tuy nhiên, việc điều trị chứng ngủ rũ có thể mang lại nhiều lợi ích nếu bạn thường xuyên bị lo lắng hoặc không thể ngủ ngon. Các phương pháp điều trị này bao gồm:
- Cải thiện thói quen ngủ - chẳng hạn như đảm bảo bạn ngủ sáu đến tám tiếng mỗi đêm
- Sử dụng thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sĩ để giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ.
- Điều trị bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào có thể góp phần làm hạn chế tình trạng bóng đè.
- Chẩn đoán và điều trị bất kỳ rối loạn giấc ngủ nào khác, chẳng hạn như chứng ngủ rũ hoặc chuột rút ở chân.
- Thay đổi tư thế ngủ, nên nằm ngửa, tránh nằm úp người để cơ tim có thể vận động bơm máu hiệu quả nhất cho não bộ.
- Hạn chế uống cà phê đặc trước khi đi ngủ từ 3-5 tiếng. Vì hợp chất caffein trong cà phê sẽ làm cho bộ não luôn tỉnh táo, ngủ không sâu và dễ dẫn tới bóng đè.
Như đã giải thích ở trên, bóng đè là hiện tượng vật lý đơn thuần của cơ thể không hề liên quan tới ma quỷ hay các vấn đề về mê tín dị đoan.
Lời khuyên dành cho bạn sau khi trải qua cảm giác bóng đè đó là ngay lập tức hãy ngồi dậy rửa mặt với nước lạnh để hoàn toàn tỉnh táo. Sau đó bạn có thể bắt đầu lại giấc ngủ từ đầu thì có thể tránh được bóng đè quay trở lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét