Tìm hiểu vì sao lá cây đa phần có màu xanh
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết lá cây có màu xanh sau này ra hoa, quả thì mới tiếp tục nảy nở ra nhiều màu sắc khác nhau. Vậy tại sao lá cây lại có màu xanh lục, nguồn gốc của màu xanh lá cây là từ đâu ra. Hãy cùng với bloggiaidap khám phá nhé.
Tìm hiểu nguồn gốc màu xanh bên trong lá cây
Đầu tiên, chúng ta cần làm rõ về vai trò của lá cây đối với sự sống của các loài sinh vật thông qua quá trình quang hợp của cây cối. Dưới tác động của hiện tượng quang hợp, lá cây hấp thụ khí CO2 để tổng hợp thành chất hữu cơ nuôi sống bản thân đồng thời chúng cũng nhả ra khí Oxi là nguồn sống của 99% sinh vật trên Trái Đất này. Nếu không có quá trình quang hợp thì cây cối không thể phát triển và loài người cũng không thể tồn tại đến ngày nay.
Lục lạp chính là thành phần đóng vai trò chủ chốt trong quá trình quang hợp của lá cây. Bên trong lục lạp có một chất gọi là diệp lục với cấu tạo đặc biệt giúp cho nó có thể hấp thu tốt nhất ánh sáng Mặt Trời phục vụ quá trình chuyển hóa sau này.
Chất diệp lục có tác dụng hấp thụ dải quang phổ của ánh sáng Mặt Trời chủ yếu là màu đỏ và màu lam mà lại không thu nhận màu xanh lục. Do đó, ánh sáng phản xạ từ diệp lục chiếu tới mắt con người khiến cho chúng ta thấy chiếc lá có màu xanh lục.
Bạn có thể xem lại bài viết tại sao bầu trời có màu xanh để hiểu rõ hơn về thành phần quang phổ của ánh sáng Mặt Trời
Để hiểu rõ hơn về đặc tính này của lá cây bạn có thể chiếu đèn màu đỏ hoặc xanh vào chiếc lá. Khi đó, chất diệp lục hấp thụ màu đỏ và xanh từ phía ánh đèn nhưng lại không có màu lục để phản xạ lại nên khi nhìn vào, chúng ta sẽ thấy chiếc lá có một màu đen sì.
Tại sao mùa thu lá cây có màu vàng
Nếu như ở phần trên là lý giải vì sao lá cây có màu xanh lục thì ở phần tiếp theo bloggiaidap sẽ giúp bạn vén tiếp bức màn kỳ thú của thiên nhiên mỗi khi mùa thu tới thì lá cây chuyển màu vàng, nâu nhé.
Như đã nói ở trên, thành phần chính trong quá trình quang hợp là sắc tố diệp lục. Ngoài ra, tham gia vào quá trình trao đổi chất bên trong lá cây còn rất nhiều các loại sắc tố khác và tiêu biểu hơn cả đó chính là carotene và xanthophyll.
Carotene và Xanthophyll chính là 2 loại sắc tố mang màu vàng và nâu. Hai sắc tố này cùng với chất diệp lục liên tục hấp thụ ánh sáng Mặt Trời để phục vụ cho quá trình quang hợp của cây được diễn ra liên tục.
Thu đến, khi mà thời gian chiếu sáng cũng như cường độ ánh sáng Mặt Trời không còn được nhiều và mạnh mẽ như mùa hè và xuân thì lúc này cơ chế quang hợp của cây có sự thay đổi.
Lúc này, tốc độ sản xuất chất diệp lục của cây chậm lại và thậm chí là dừng hẳn. Khi không còn chất diệp lục nữa, màu xanh lục trên lá cây cũng nhạt dần mà thay vào đó là màu vàng hoặc cam do sự hoạt động của sắc tố Carotene và Xanthophyll.
Trên đây là những lý giải cơ bản nhất về việc tại sao lá cây lại có màu xanh, vì sao mùa thu lá cây lại chuyển màu vàng. Các nhà khoa học đã và đang tiếp tục nghiên cứu và tranh cãi về cơ chế hoạt động phức tạp của lá cây. Và chỉ với vốn thông tin ít ỏi này hy vọng bạn đã phần nào hiểu được bộ máy vận hành bên trong mỗi chiếc lá và có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn sống của loài người.
Nhận xét
Đăng nhận xét